Đọc Báo 365


ĐỜI SỐNG

Học trò ăn cơm với đường, châu chấu lấy sức nuôi con chữ, cô giáo quay đi lau nước mắt

Hôm nào bố mẹ không kiếm được thức ăn, các em phải ăn cơm với đường, muối, rau dại cho dễ nuốt.

Trong khi có những đứa trẻ ăn uống kén chọn, cơm bỏ mứa thừa thì có những trẻ ăn cơm với đường, rau dại, châu chấu. Nhìn bữa cơm trưa học trò nhỏ mang theo đến trường, cô giáo nhiều lần quay đi lau nước mắt.

Hoàn cảnh khó khăn, nhiều học sinh ăn cơm với đường, châu chấu, nhộng đất. Thịt dơi, thịt chuột, cá khô là món ngon xa xỉ, không phải lúc nào cũng có mà ăn. Các cô chỉ lo học sinh nhỏ ăn không đủ dinh dưỡng để phát triển.

Bữa cơm ngon với cá khô của học sinh nghèo trường Kon Du. Ảnh chụp từ clip. Nguồn: Báo Thanh Niên

Xem thông tin trên trang Thanh Niên, thật sự thấy thương các em nhỏ còn nhiều thiếu thốn. Ở điểm trường Kon Du, Kon Tum có 72 học sinh, đa số nhà xa, bố mẹ cả ngày ở trên nương rẫy. Hoàn cảnh gia đình khó khăn nên bữa cơm mang đi học của các em ít ỏi, thiếu thốn, nhìn mà chạnh lòng.

Đang tuổi ăn tuổi lớn nhưng nhiều học sinh chỉ ăn cơm với đường, muối cho dễ nuốt. Hôm nào ngon hơn thì có rau dại, ốc đồng, châu chấu, nhộng đất. Xa xỉ nhất là cá khô, thịt chuột, thịt dơi, được ăn thì các em mừng lắm.

11 giờ trưa thứ hai hằng tuần, cô giáo đánh hồi trống báo hiệu hết giờ học buổi sáng, học sinh của 5 lớp ùa ra. Trên tay mỗi em xách theo hộp cơm do bố mẹ chuẩn bị lúc sáng, ngồi vào chỗ được xếp sẵn và ăn trưa.

Nhìn hộp cơm của một học sinh lớp 1, một bên là khay đựng đường, còn lại là cơm lấm tấm hạt đen hạt trắng. Nhà của con ở bên kia quả đồi, cách trường 2km. Bố mẹ bận đi rẫy nên phải dậy thật sớm nấu cơm bỏ hộp cho con đi học.

Bữa cơm với đường của học sinh điểm trường Kon Du (xã Măng Cành, H.Kon Plông, Kon Tum). Ảnh: Đức Nhật, báo Thanh Niên

Con kể hôm trước mẹ nấu cơm với rau, nay nhà hết đồ ăn, mẹ bỏ đường cho ăn với cơm. Nhiều trẻ khác cũng đồng cảnh ngộ ăn cơm với đường, muối. Vui vẻ nhất có lẽ là bé học lớp 1 mở cơm ra thấy 3 miếng thịt chuột nướng.

Con khoe đây là chuột mà mẹ săn được khi đi rẫy, bình thường con chỉ ăn cơm với rau dại thôi. Bố mất sớm, một mình mẹ nuôi 2 anh em, có thịt chuột ăn thế này đã là rất may mắn.

Theo lời kể của cô giáo thì có nhiều em nhà xa 4 – 6 km, thậm chí xa đến 17 km. Lúc trước các em học buổi sáng, trưa đi bộ về ăn cơm ở nhà, leo đồi mệt, buổi chiều chẳng quay lại trường để học nữa.

Để các em đi học đầy đủ, nhà trường phải vận động bố mẹ nấu cơm cho con mang theo ăn trưa. Thức ăn của các em là sản vật bố mẹ tìm được từ rừng, rẫy. Sang lắm là thịt chuột, thịt dơi, bình thường thì có ốc đồng, ve sầu, châu chấu, nhộng.

Lúc nào bố mẹ không kiếm được thức ăn, các em sẽ ăn với măng rừng, rau dại, đường hay muối cho dễ nuốt. Nhiều lần thấy học trò ăn kham khổ, cô giáo quay mặt đi lau nước mắt.

“Sang” lắm thì sẽ có thịt chuột ăn với cơm. Ảnh chụp từ clip, nguồn: Báo Thanh Niên

Các cô ở đây cũng mang cơm theo ăn khi đi dạy, lần nào cũng cố tình nấu thêm ra. Đến giờ cơm, lại mang chia cho trò, bé nào ốm yếu, biếng ăn, các cô ưu tiên cho nhiều hơn.

Nỗi trăn trở lớn nhất của thầy cô là sợ các em bỏ học. Phần vì nhà xa, phần vì đời sống khó khăn, bố mẹ chưa quan tâm đến việc học của con. Có nhà, bố mẹ đi rẫy cả tuần, con gửi hàng xóm, ông bà chăm hộ.

Dù nhà trường vận động tài trợ, thầy cô đóng góp nhưng nguồn lực hạn hẹp, sợ khó níu chân các em ở lại trường. Chỉ sợ những con đồi cản trở bước chân, những bữa cơm với đường không đủ no hay không người bảo ban, đôn đốc, các em sẽ bỏ học.

“Trẻ em như búp trên cành. Biết ăn, biết ngủ, biết học hành là ngoan”. Cũng chỉ mong các em đều được nâng niu như búp non. Mong các em sớm được giúp đỡ có những bữa cơm ngon. Để con đường đến lớp dù xa xôi, vượt đồi mệt mỏi cũng chẳng ngăn được các em đi học.

Webtretho

Bình Luận

BÀI VIẾT LIÊN QUAN