Đọc Báo 365


TIN TỨC

Khách ăn bánh xèo xong lẳng lặng đi để lại đứa bé, vợ chồng chủ quán 70t thương tình nuôi suốt 5 năm qua

Dịp gần Giáng sinh 2018, khoảng 2h chiều, một người phụ nữ mặc bộ đồ hoa dẫn con gái chừng 3 tuổi đến quán gọi bánh xèo. Ăn xong, người mẹ không trả tiền, lặng lẽ đi luôn.

Mỗi lần nhìn những trường hợp bố mẹ, ông bà nhận nuôi những đứa trẻ không cùng máu mủ ruột rà về làm con làm cháu trong nhà, chăm sóc yêu thương hết mực là tôi lại cảm thấy ngưỡng mộ và xúc động vô cùng. Tuy không có công sinh thành nhưng họ lại có công dưỡng dục bao la, chắp cánh tương lai cho những đứa trẻ vốn phải chịu nhiều thiệt thòi.

Cũng một trường hợp khiến tôi vô cùng cảm động là câu chuyện của cặp vợ chồng 70 tuổi ở Gò Vấp, TP. HCM, được đăng trên báo Thanh Niên và VNE gần đây. Theo báo đăng tải thì cặp vợ chồng này chính là ông Nguyễn Văn Chương và bà Phạm Thị Luôn, bán bánh xèo đã 30 năm nay. Họ có hai con gồm một trai và một gái.

(Ảnh: Dương Lan – Thanh Niên)

Dịp gần Giáng sinh 2018, khoảng 2h chiều, một người phụ nữ mặc bộ đồ hoa dẫn con gái chừng 3 tuổi đến quán gọi bánh xèo. Ăn xong, người mẹ không trả tiền, lặng lẽ đi luôn. Khách đông, phải tất bật đổ bánh nên ông bà không để ý. Phải đến khi vãng bớt khách, ông bà mới phát hiện một bé gái chân tay lấm lem, mặt buồn ngủ ngồi ở góc. Khi hỏi “Mẹ con đâu?” thì bé ngơ ngác đáp: “Mẹ con đi mất rồi”.

Thấy bé gái buồn ngủ, bà Luôn ẵm vào nhà tắm rửa và cho nằm nghỉ. Ông Chương sang nhà tổ trưởng dân phố trình báo. Họ đồng ý để ông tạm nuôi bé trong lúc chờ mẹ tới đón về. Nhưng xót xa thay, 5 năm trôi qua, người phụ nữ bận bộ đồ hoa năm ấy vẫn chưa quay lại.

Ngày trở thành người giám hộ, ông bà gọi bé là cháu nội và đặt tên Nguyễn Ngọc Tường Vy để mong con xinh đẹp, thông minh, có cuộc sống tốt lành. Mặc dù vậy, hành trình nuôi bé Tường Vy cũng gặp rất nhiều khó khăn khi bé vốn có thể trạng ốm yếu, hay bệnh vặt. “Tôi mua cháo nó không ăn, uống sữa vào thì bị tiêu chảy rồi sốt. Tôi hoảng quá kêu con trai đưa con bé vào Bệnh viện Nhi đồng 2 khám đủ thứ, biết con bé chỉ bị sốt siêu vi mới an lòng”, bà Luôn nhớ lại.

Những ngày cháu nằm viện, bà Luôn chạy đôn chạy đáo. Bà ở cả đêm trong viện chăm, sáng 5h mới về đi chợ chuẩn bị đồ bán hàng, thưa khách rồi mới lật đật vô lại viện. Ốm đau hoài nên khoản lương hưu của ông và tiền bán bánh xèo của bà đôi khi không đủ thuốc thang cho cháu, họ bấm bụng đi vay để lo liệu dù trước đây chưa từng làm vậy. May mắn thay, cả hai con đều có lòng nhân từ, ủng hộ cha mẹ nên ông bà hành động theo trái tim mách bảo.

Người có công trời không phụ, sau vài tháng chăm lo, bé Tường Vy hồng hào, có da có thịt hơn. Nhiều người hiếm muộn đến tận nhà xin nhận con nuôi, đòi đưa tiền, nhưng gia đình ông bà ông bà không chịu, có khổ mấy cũng ráng.

Năm 2019, Tường Vy muốn đến trường nhưng do chưa có giấy khai sinh nên ông bà cho cháu học ở trường mẫu giáo tư, hết 3 triệu đồng/tháng. Sau đó, Tường Vy được hỗ trợ cấp giấy khai sinh để đến trường. Được đi học tại trường mẫu giáo công nhưng 2 tháng sau, em lại phải nghỉ vì ốm đau tiếp. Ông bà đành cho cháu ở nhà một thời gian, đến lúc khỏe lại bị quá hạn nhập học lớp 1 nên cho em học tạm tại nhà cô giáo trong xóm, đóng 500 nghìn đồng/tháng. Dự tính sắp tới sẽ làm hồ sơ để đi học chính thức.

Cuộc sống của gia đình cứ thế trôi qua. Cứ gần 11h mỗi ngày, vợ chồng ông Chương lụi cụi đẩy xe bánh xèo ra trước hẻm bán, bé Tường Vy xách bọc rau đi sau. Được 8 tuổi, Tường Vy tỏ ra rất ngoan ngoãn, hiểu chuyện, tự lập, biết phụ việc cho ông bà.

(Ảnh: Dương Lan – Thanh Niên)

Gần đây, bà Luôn bị tai biến và cảm lạnh phải nằm ở nhà, xe bánh xèo trông cậy vô chồng. Vợ chồng ông bà ý thức mình chẳng sống được bao lâu nên chẳng mong cầu được báo đáp, chỉ muốn Tường Vy được học hành tử tế, sau này có tương lai sáng sủa hơn.

Trong xã hội mà người ta ngày càng có xu hướng trọng vật chất, làm việc tốt muốn được báo ân, thì đâu đó vẫn còn rất nhiều người sống vì cái tâm, không màng danh lợi như vợ chồng ông Chương và bà Luôn. Có lẽ, do từng là giáo viên nên ông Chương hiểu được nhiều đạo lý ở đời: “Tôi càng thương càng phải giáo dục cho cháu thật tốt. Tôi cũng mong đây là bài học cho mọi người vì chuyện nông nổi đẩy đưa đứa bé không có tội tình lại phải gánh những hậu quả do bậc cha mẹ để lại”, ông nói.

Còn bà Luôn thì hay trăn trở về lý do người mẹ ra đi để lại đứa con. Có thể vì người mẹ nghèo khổ, không có đủ điều kiện nuôi con. Bà đoán chị đã tới quán nhiều lần, suy xét tình hình và nghĩ vợ chồng bà sẽ nuôi hộ nên mới để con lại. Và có thể chị ấy tin rằng vợ chồng bà bán ở đây đã lâu đời, nếu sau này muốn tìm con sẽ đến địa chỉ đó, người dân xung quanh sẽ biết và tìm lại được…

Dù là điều gì đi nữa, thì đọng lại trong tôi vẫn là sự cảm kích trước tấm lòng nhân hậu của ông Chương, bà Luôn, của hai người con ông bà đã ủng hộ cha mẹ làm điều tốt mà không ganh tỵ hay tỏ ra khó chịu. Dẫu biết rằng cha mẹ nào cũng thương con, phải có lý do bất khả kháng họ mới đành để con lại, nhưng không làm trọn trách nhiệm của một đấng sinh thành đối với con cái thì thật chua xót biết bao phải không mọi người? Đâu phải đứa trẻ nào cũng gặp may được người tốt nhận nuôi như bé Tường Vy. Mặt khác, sự yêu thương chăm chút của cha mẹ ruột đối với con cái bao giờ cũng sẽ được cho là thứ tình cảm thiêng liêng nhất.

Webtretho

Bình Luận

BÀI VIẾT LIÊN QUAN