Đọc Báo 365


TIN TỨC

Về quê tránh Cô vy, nhiều người thở dài quay lại với nghề nông: Cũng bấp bênh như ở thành phố

Về quê tránh dịch, nhiều người thở phào nhẹ nhõm vì may mắn không phải là F0, không chịu cảnh thất nghiệp hay phải sống vật vờ nơi phố thị. Tuy nhiên, khi về tới quê nhà, họ cũng chợt nhận ra nơi đây muốn mưu sinh thật chẳng dễ dàng.

Siu H’ Jú (18 tuổi, trú tại xã Ia huyện Phú Thiện, Gia Lai) cũng rời quê nhà vào miền Nam để tìm kiếm hy vọng sẽ thay đổi được cuộc sống. Siu H’ Jú nghỉ học sớm để đi làm phụ giúp gia đình. Hồi tháng 3 vừa qua, em rời Gia Lai vào Bình Dương để kiếm việc làm.

Sau nhiều gian nan, em cũng tìm được công việc trong một công ty may, với tiền lương hơn 7 triệu đồng/tháng. “Cầm tiền lương hàng tháng, em chi tiêu dè dặt nhất có thể. Phần còn lại gửi về gia đình ở quê nhà”, Siu H’ Jú kể. Thế nhưng, mới đi làm được vài tháng, dịch bệnh Covid-19 bùng phát, Siu H’ Jú phải nghỉ làm để phòng tránh dịch bệnh.

Siu H’ Jú về quê với nỗi buồn chuyện mưu sinh (Ảnh: Dân Trí)

Nghỉ việc ở nhà, Siu H’ Jú cầm cự ở chỗ trọ thêm 2 tuần thì hết tiền mua đồ ăn hàng ngày, tiền lương thì chưa có. Em và các bạn ở cùng chỗ trọ toàn ăn mì gói rồi cũng chờ được đến khi có lương liền gói ghém về quê.

Về quê, Siu H’ Jú lại ngày ngày cùng mẹ đi làm rẫy. Nhà em có hơn 4 sào mì, 3 sào lúa. Với mảnh vườn này, gia đình em không đủ tiền để lo cho cả gia đình và trả nợ. Tuy được về quê tránh dịch bệnh an toàn, song trên gương mặt của Siu H’ Jú vẫn đầy nỗi lo toan và tiếc nuối khi đang có công việc ổn định để nuôi gia đình lại bị gác lại và không biết khi nào mới được đi làm lại.

Tương tự, chị Rơ Châm Pí (40 tuổi, trú tại huyện Ia Grai, Gia Lai) quyết định rời quê nhà Gia Lai vào Bình Dương để làm công nhân trong xưởng gỗ. “Có ai muốn xa chồng, xa con đi làm ăn xa đâu. Nhưng ở nhà làm vườn thì nông sản lúc được mùa lại mất giá và ngược lại. Đi làm công ăn lương thì ở quê ít việc làm lắm, tôi mới tính đường rời quê vào thành phố kiếm sống”, chị Rơ Châm Pí tâm sự.

Mỗi tháng làm công nhân ở xưởng gỗ được trả lương khoảng 7 triệu đồng, chị Rơ Châm Pí chi tiêu chắt chiu cũng dành dụm được chút ít. Khoản tiết kiệm được, chị gửi về phụ chồng lo cho các con ở quê nhà và phòng khi ốm đau.

Gia đình chị Rơ Châm Pí lại quay về làm nông (Ảnh: Dân Trí)

Khoảng 2 tháng sau, chồng của chị Pí là anh Rơ Châm Síu (42 tuổi) cũng khăn gói từ quê vô Bình Dương làm. Hai vợ chồng thuê một căn trọ nhỏ để tá túc mưu sinh. Một thời gian sau, con gái của anh chị là Rơ Châm Sơn (17 tuổi) đang nghỉ hè lớp 11 cũng vào miền Nam với bố mẹ. Nữ sinh dự định gác lại việc học để tập trung kiếm tiền.

Gia đình nhỏ của chị Chơ Râm Pí đang quen dần với công việc ở thành phố lớn thì dịch Covid-19 bùng phát ở các tỉnh phía Nam khoảng cuối tháng 6 đầu tháng 7 vừa qua. Dịch bệnh phức tạp, xưởng làm phải đóng cửa.

Không làm ra tiền mà phải “gánh” tiền thuê nhà trọ, chi phí sinh hoạt sẽ không kham nổi, chị Chơ Râm Pí lại tất tả đón xe về quê. Ít hôm sau, chồng chị và con gái cũng theo về quê nhà Gia Lai bằng xe máy. Phải gần một tháng, cả nhà mới hoàn thành cách ly tập trung và tự cách ly tại nhà theo quy định đối với người trở về từ vùng dịch để phòng chống Covid-19.

“Cả nhà bây giờ chỉ sống nhờ vào mấy sào lúa. Trước mắt, 2 vợ chồng tính ở quê hẳn để làm ruộng và chăm lo cho cháu nhỏ. Còn con gái thì đợi hết dịch sẽ quay trở vào Nam làm việc. Tính tới tính lui mãi không biết cuộc sống lâu dài, cách nào mới ổn định”, chị Chơ Râm Pí trăn trở. Tương tự,

Bỏ quê lên phố, nhiều người mong ước có một công việc khấm khá hơn, có thu nhập tốt hơn để lo cho gia đình, vợ chồng, mẹ cha, con cái. So với cuộc sống làm nông, được mùa mất giá được giá mất mùa thì cuộc sống công nhân vững chắc hơn, làm ngày nào có tiền lương ngày đó, cuối tháng ổn định, cuối năm ổn định, nhờ sức lao động chứ ít khi phải nhờ may rủi từ ông trời.

Vậy mà dịch bệnh ập tới, khiến nhiều người không kịp trở tay. Ở lại thì sống vật vờ, tương lai vô định mà bỏ về quê, thì như những câu chuyện nói trên, lại quay về với đồng ruộng, với con trâu, với dầm mưa dãi nắng mà nông sản làm ra, vẫn chưa thể bán được thì kinh tế vẫn còn đang đóng cửa.

Chưa bao giờ, người lao động lại lao đao như bây giờ. Nhiều người cứ nghĩ họ may mắn, họ nên thở phào vì đã thoát khỏi thành phố đầy nguy hiểm nhưng về quê nhiều lúc còn đau đầu hơn. Lúc này, miếng cơm hàng ngày có thể ăn tạm, nhưng con cái cũng cần học hành, mẹ cha cũng cần thuốc men.

Lại nói, khi quyết định về quê, con đường quay lại thành phố không còn cao như trước, nhà trọ đã trả, việc đã xin nghỉ, trong khi vụ mùa ở quê đã làm thì không thể bỏ. Kể cả khi tình hình ổn định, cũng chưa chắc họ còn cơ hội để trở lại với nghề công nhân.

Thôi thì cuộc sống là những chuỗi ngày đầy biến cố. Lúc này đây chúng ta không thể làm được gì ngoài việc cố gắng hơn nữa và nguyện cầu cho dịch bệnh sớm qua mau, xã hội lại bình ổn.

Và sau cùng, hãy trân trọng những gì đang có, nhiều người thường hay than phận mình bạc bẽo, chê công việc chân tay nhưng lúc này đây mới thấy, có việc làm và có thu nhập, đã là điều may mắn nhất rồi.

Nguồn: Dân Trí

https://www.webtretho.com/p/ve-que-tranh-co-vy-nhieu-nguoi-tho-dai-quay-lai-voi-nghe-nong-cung-bap-benh-nhu-o-thanh-pho

Bình Luận

BÀI VIẾT LIÊN QUAN